Sau 10 năm triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011, gọi tắt là QHC1259), đến nay, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, đã có một số nội dung không còn phù hợp với thực tiễn. Do vậy, nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung đã và đang được thành phố đặt ra với mục tiêu tiếp tục nâng cao vị thế của Thủ đô.

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố “Xanh - thông minh - hiện đại”. Ảnh: Lê Việt

Nhiều chỉ tiêu không còn phù hợp

Đánh giá sau 10 năm thực hiện QHC1259, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, về cơ bản, diện mạo Thủ đô đã có nhiều thay đổi. Đô thị Hà Nội từng bước hiện đại hóa, cảnh quan đô thị được nâng cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện... Tuy nhiên, qua rà soát trên thực tế cho thấy, QHC1259 hiện có nhiều chỉ tiêu đã vượt quy hoạch được duyệt.

Cụ thể, theo định hướng QHC1259, mật độ dân cư được khống chế đến năm 2020 là 2.188 người/km2, trong đó tại khu vực trung tâm Thủ đô là 5.012 người/km2, song đến nay đã lên tới 9.570 người/km2. Về quy mô dân số, theo định hướng của QHC1259, dân số toàn thành phố dự báo đến năm 2020 khoảng 7,3-7,9 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa 58-60%. Tuy vậy, đến năm 2020, dân số toàn thành phố đạt 8,24 triệu người, trong khi tỷ lệ đô thị hóa mới đạt khoảng 49,3%.

Tỷ lệ đô thị hóa đạt thấp, chất lượng phát triển đô thị chưa cao đã ảnh hưởng việc phân bố dân cư, dẫn đến chưa khai thác hiệu quả quỹ đất. Cụ thể, theo QHC1259, đến năm 2030, dân số khu vực trung tâm Thủ đô khoảng 4,6 triệu người; các đô thị vệ tinh khoảng 1,3-1,4 triệu người; các đô thị sinh thái, thị trấn khoảng 0,2-0,3 triệu người và khu vực hành lang xanh (nông thôn) khoảng 2,9 triệu người. Tuy nhiên trên thực tế, dân số chưa phân bổ cho khu vực ngoài đê sông Hồng; khu vực phía Bắc sông Hồng, phía Đông đường Vành đai 4… Ngoài ra, tiến độ triển khai các đô thị vệ tinh theo quy hoạch còn chậm. Kết cấu hạ tầng đô thị chưa theo kịp nhu cầu phát triển đô thị, tính đồng bộ chưa cao. Việc tạo lập khu vực “hành lang xanh” với tỷ lệ 70% quỹ đất toàn thành phố đã tạo nên những giới hạn của sự phát triển đô thị...

Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội Tô Anh Tuấn, giá trị của mỗi thành phố, chất lượng của mỗi đô thị chính là chỉ tiêu sử dụng đất. Việc tổ chức phát triển đô thị của Hà Nội trong thời gian qua chưa hiệu quả, ngoài lý do về quy hoạch thì nguyên nhân lớn là quá trình thực hiện quy hoạch. Đặc biệt, QHC1259 chưa vạch ra chiến lược, bước đi, các biện pháp triển khai cụ thể ở từng giai đoạn.

Người dân tìm hiểu đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Cung triển lãm Quy hoạch quốc gia.

Phát triển Hà Nội trở thành đô thị “xanh - thông minh - hiện đại”

Với mục tiêu tiếp tục nâng cao vị thế của Thủ đô Hà Nội trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; xây dựng Thủ đô Hà Nội có tổng thể không gian phát triển năng động, hòa nhập, khai thác giá trị tiềm năng của vùng địa lý cảnh quan tự nhiên, đạt hiệu quả trong sử dụng đất đai, công tác điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được thành phố Hà Nội đặt ra.

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy thông tin, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Viện thực hiện trên nguyên tắc dự báo dân số và định hướng điều tiết phân bố dân cư phù hợp với khả năng đáp ứng về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của quỹ đất phát triển; kế thừa mô hình, cấu trúc đô thị đã phê duyệt trên cơ sở rà soát có chọn lọc các nội dung phù hợp với tình hình hiện nay của QHC1259; bảo đảm khả thi và linh hoạt trong các giải pháp phát triển đô thị.

Theo đó, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã nghiên cứu, đặt ra một số vấn đề cần giải quyết tại định hướng nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, gồm: Hạn chế tăng dân số tại khu vực nội đô, trong đó khu vực nội đô lịch sử tiếp tục giảm dân số, nội đô mở rộng không tăng thêm dân số. Bổ sung dân số cho khu vực Bắc sông Hồng, phía Đông đường Vành đai 4 để khai thác sử dụng đất hiệu quả hơn. Nghiên cứu khả năng phát triển mô hình “thành phố trong thành phố” tại khu vực phía Bắc (các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); phía Tây (thành phố mới Hòa Lạc) và “thị xã trong thành phố” trên cơ sở sáp nhập một số huyện.

Một vấn đề khác cũng được quan tâm là khai thác trục sông Hồng làm trục xanh trung tâm, theo hướng phát triển cân đối không gian hai bên sông Hồng và nghiên cứu khả năng phát triển khu vực phía Bắc sông Hồng thành đô thị hiện đại, đồng bộ. Khu vực các huyện dự kiến thành quận giai đoạn 2021-2025 được nghiên cứu phát triển hạ tầng, gắn với đô thị xanh, bền vững dọc 2 bên trục đường Vành đai 4. Các đô thị vệ tinh được rà soát lại mô hình và lộ trình phát triển để có kế hoạch tập trung nguồn lực đầu tư theo thứ tự ưu tiên.

Khẳng định việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là hết sức cần thiết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thành phố sẽ xem xét khả năng thi tuyển ý tưởng quy hoạch chung hoặc thành phần để đồ án thực sự chất lượng, là cơ sở hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô xứng tầm với vị thế và vai trò, đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh ở khu vực và quốc tế...

Báo Hà nội mới
Thăm dò ý kiến
Số lượt truy cập
Tổng số lượt truy cập: 23629510
Xem trong ngày:
Đang xem: