Đó là rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, lập quy hoạch TP thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; xây dựng Chương trình phát triển đô thị toàn TP đến 2030, định hướng 2050. Mỗi nhiệm vụ có mục tiêu nhất định, song tổng hòa đây được xem là bản giao hưởng quy hoạch. Khi hoàn thành sẽ tạo đà cho Thủ đô bứt phá, phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới.
Dấu ấn điều chỉnh Quy hoạch chung
Kể từ khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008, sau gần 3 năm nghiên cứu với sự tham gia của tư vấn trong và ngoài nước, sự chỉ đạo, góp ý của các cơ quan T.Ư, tham vấn Nhân dân cả nước và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, tháng 7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch chung). Mục tiêu của bản quy hoạch là đưa Hà Nội trở thành TP “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế, có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi.
Một góc TP Hà Nội nhìn từ phía Tây. Ảnh: Phạm Hùng
Qua nghiên cứu cho thấy, Hà Nội cần khẳng định và quyết tâm thực hiện mô hình phát triển không gian với mô hình chùm đô thị gồm một đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn. Đây là mô hình đã được trao đổi nhiều từ khi lập quy hoạch, là mô hình hợp lý, phù hợp với thực tiễn Hà Nội, dựa trên kinh nghiệm phát triển của London (Anh), Paris (Pháp), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc)... và sự sáng tạo của Việt Nam.
Dù qua rà soát kết quả thực hiện 10 năm qua cho thấy, còn sự bất cập trong phát triển đô thị vệ tinh, chưa gắn kết phát triển nông thôn mới với đô thị hóa nhưng đến nay, đây vẫn là mô hình hợp lý, là giải pháp tốt để hướng tới xây dựng Thủ đô “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại - Thông minh”, cần tiếp tục khẳng định quyết liệt hơn trong xây dựng cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi cho sự phát triển.
Về dân số, theo kết quả điều tra năm 2019, dân số toàn TP là 8,05 triệu người, so với năm 2009 thì tỷ lệ tăng bình quân năm là 2,48%, vượt so với dự báo của Quy hoạch chung (đến năm 2020 là 7,3 - 7,9 triệu người). Do đó, trong rà soát lần này cần xem xét, xác định rõ nguyên nhân vì sao việc triển khai các đô thị vệ tinh, thị trấn còn chậm, phát triển vùng chưa như định hướng, Luật Thủ đô chưa tạo được chính sách đặc thù có hiệu quả để quản lý dân cư.
Xác định quy mô dân số hợp lý có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, xác lập các chỉ tiêu về thu nhập, giáo dục, y tế, hạ tầng kỹ thuật... Vì vậy, trong điều chỉnh Quy hoạch chung lần này cần phân tích các kịch bản để tăng hay giữ số lượng dân số như quy hoạch dự báo trong bối cảnh những năm tới từ nguồn lực phát triển đô thị.
Người dân tham khảo thông tin sa bàn về Quy hoạch TP Hà Nội (khi dịch Covid-19 chưa bùng phát mạnh). Ảnh: Phạm Hùng
Áp lực vào kết cấu hạ tầng thì quy mô dân số Thủ đô như dự báo là hợp lý, song cần điều chỉnh phân bố giữa các khu vực cho phù hợp với thực tế phát triển. Cần tiếp tục khẳng định giảm dân số trong nội đô lịch sử, thúc đẩy hình thành, tạo nơi đến có chất lượng để thu hút dân cư đến các khu vực đô thị mới, đô thị vệ tinh...
Trong Quy hoạch chung đã dự báo tỷ lệ đô thị hóa 58 - 60% nhưng thực tế năm 2019 mới chỉ đạt 49%. Do đó, rất cần có chính sách để đẩy mạnh tỷ lệ đô thị hóa, hướng đến mục tiêu Hà Nội là đô thị đặc biệt, có đô thị trung tâm mở rộng. Về không gian, kiến trúc cảnh quan, Quy hoạch chung đã đề cập định hướng cơ bản hợp lý, trong đó có hình thành hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh và trục sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm TP.
Hệ thống đường giao thông vành đai trên cao kết nối các quận, huyện ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Để tiếp tục thực hiện định hướng này, rất cần có cơ chế chính sách quản lý và sửa đổi bổ sung một số luật, quy hoạch quốc gia như phòng, chống lũ. Định hướng về tổ chức không gian trong Quy hoạch chung đã cơ bản có gắn kết với yêu cầu về môi trường sống.
Song, thực tiễn 10 năm qua cho thấy còn tồn tại liên quan tới việc di dời một số trụ sở bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, một số trường đại học; hệ thống thương mại dịch vụ (các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ) phân bố chưa đều... Đây là vấn đề cần tiếp tục thực hiện nhưng cũng cần xem xét điều chỉnh lộ trình cùng với xây dựng cơ chế chính sách và tài chính đặc thù cho Hà Nội.
Hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật đang chịu áp lực lớn. Để giải quyết vấn đề này, cần có nguồn lực lớn từ ngân sách, xã hội hóa và cả chính sách quản lý có hiệu lực. Trong giai đoạn 2021 - 2030, cần tiếp cận từ bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng để có điều chỉnh cục bộ, điều chỉnh tiến độ đảm bảo tính hiện thực.
Một điểm đáng lưu ý, điều chỉnh Quy hoạch chung phải được tiếp cận từ đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, đó là mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế đô thị. Sự điều chỉnh phải phù hợp xu thế cách mạng khoa học công nghệ mới, gắn với tăng trưởng xanh, xây dựng chính quyền đô thị thành phố thông minh, phát huy truyền thống văn hóa đặc thù của Thủ đô, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Đồng thời cũng cần xác định rõ những thách thức từ nguồn lực thực hiện và cả cơ sở pháp lý để đề xuất định hướng cho giai đoạn tới.
Song hành các nhiệm vụ để tạo sự đồng bộ
Ngay từ năm đầu thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, cùng với thực hiện 10 chương trình của Thành ủy, Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ. Bên cạnh nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, TP cũng chỉ đạo lập Quy hoạch TP thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và xây dựng Chương trình phát triển đô thị toàn TP đến 2030 định hướng 2050.
Việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trên có thể coi là quyết sách linh hoạt của chính quyền TP, tạo thuận lợi trong thực hiện mục tiêu kép về quy hoạch đô thị. Đồng thời đây cũng là điểm nhấn quan trọng để tổ chức thực hiện sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp giúp Thủ đô phát huy tiềm năng, thế mạnh.
Lập quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 là công tác có tính đột phá trong đổi mới hệ thống quy hoạch, nhằm gắn kết với định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước thời kỳ 2021 - 2030. Gắn với các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng để từ đó xác định mục tiêu, phương án phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với tiềm năng thế mạnh của Thủ đô, để đảm bảo phát triển bền vững, dài hạn trên cả 3 trụ cột: Kinh tế - xã hội - môi trường.
Các nghiên cứu lập quy hoạch đảm bảo nguyên tắc liên tục, kế thừa, ổn định để vừa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, an sinh xã hội, nâng cao mức sống của người dân, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự kiến giữa 2023 sẽ trình duyệt các kết quả nghiên cứu từ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng từ các quy hoạch liên quan được kế thừa và là hợp phần của quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII đã xác định quan điểm phát triển Thủ đô Hà Nội đến 2025 định hướng đến 2030 và một số chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến đô thị hóa Thủ đô. Để cụ thể hóa định hướng phát triển đô thị của TP và chiến lược phát triển đô thị quốc gia, rất cần xác định các chương trình, kế hoạch cụ thể, tương thích với tiềm năng, nguồn lực đảm bảo tính khả thi và phát triển bền vững. Từ đó có giải pháp về cơ chế chính sách, huy động vốn, nguồn lực phát triển. Do đó, việc nghiên cứu xây dựng Chương trình phát triển đô thị toàn TP đến 2030 định hướng 2050 là hết sức cấp thiết. Kết quả nghiên cứu của Chương trình là cơ sở để phát triển đô thị của Thủ đô, xác định các danh mục ưu tiên đầu tư phát triển. Việc nghiên cứu đề xuất các định hướng cơ bản về quy hoạch như nêu trên được thực hiện trong bối cảnh Hà Nội đang nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Luật Thủ đô là thuận lợi và thời cơ.
Thủ đô Hà Nội không chỉ đơn thuần là đơn vị hành chính cấp tỉnh và còn nhiều trọng trách nặng nề, đặc thù. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô không chỉ là khắc phục những hạn chế, bất cập đã được tổng kết, đề xuất trong nghiên cứu cụ thể mà còn xác định kế thừa những quy định mới về cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù, mô hình chính quyền đô thị, để củng cố cơ sở pháp lý, thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh, bền vững.
Trước đây, việc nghiên cứu quy hoạch thường được thực hiện theo tầng bậc và độc lập trong từng ngành, lĩnh vực nhưng lần này được tổ chức song hành nên có nhiều thuận lợi song cũng là thách thức trong liên kết, phối hợp giữa các ngành, đơn vị. Hy vọng rằng với sự chỉ đạo linh hoạt đổi mới của TP, sự tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng, xã hội với phương châm "Cả nước vì Thủ đô, Thủ đô vì cả nước", chúng ta sẽ đạt được sự tổng hòa về quy hoạch nhằm xây dựng Thủ đô - Thành phố anh hùng, hòa bình, sáng tạo, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.